95% người trẻ nhận trách nhiệm về biến đổi khí hậu
Khảo sát mới nhất của UNICEF thực hiện trên VnExpress chỉ ra tác động rõ nét của biến đổi khí hậu qua góc nhìn người trẻ.
Khảo sát “Bạn hiểu thế nào về biến đổi khí hậu” được thực hiện từ 28/10 đến 2/11 trên VnExpress, với gần 3.500 người tham gia từ 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Trong đó, 1.304 người là các bạn trẻ (độ tuổi dưới 35).
Khi được hỏi: “Theo bạn, ai là người chịu trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu?”, 95% câu trả lời nói “Đó là trách nhiệm của tôi”.
Tuy nhiên 51% các bạn trẻ cho biết họ “Không có mạng lưới/diễn đàn phù hợp để kết nối, trao đổi”, 48% cho rằng họ “thiếu nguồn thông tin đáng tin cậy, dễ hiểu để tìm hiểu sâu hơn về các kỹ năng ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậy, bảo vệ môi trường” và một tỷ lệ tương tự cho biết họ “thiếu kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Nói về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới bản thân, gia đình và những người xung quanh, 69% các bạn trẻ cho rằng “Môi trường nơi sinh sống bị ô nhiễm” là tác động rõ thấy nhất. 46% lựa chọn “Bữa ăn bị giảm chất lượng và số lượng”. 43% cho biết “Nguồn thu nhập của gia đình bị giảm”.
Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai, 53% các bạn trẻ trong khảo sát nói họ đã từng nghĩ đến việc chuyển đi nơi khác sống.
Nhiều “hành động xanh” được người trẻ tham gia khảo sát cho rằng họ có thể làm nhằm góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, đa số lựa chọn “Không vứt rác bừa bãi, bao gồm cả phân loại rác, dọn vệ sinh thường xuyên”. Các hành động phổ biến khác là “Tiết kiệm nước”, “Hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường” như các sản phẩm từ nhựa…
Cuộc khảo sát cũng nhận được hàng nghìn thông điệp mà trẻ em và thanh niên muốn gửi đến COP27. Các thông điệp đơn giản là nói lên sự lo lắng, kêu gọi hành động và tinh thần muốn thay đổi.
“Có thể đối với thế hệ 9x và thế hệ sau đó, không khí không còn trong sạch, nhưng tôi tin rằng thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta sẽ sống trong một môi trường được cải thiện. Vì vậy, hãy làm điều gì đó hơn là không làm gì cả. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình…”, một thông điệp mà người tham gia khảo sát muốn gửi đến COP27.
Khảo sát do UNICEF Việt Nam thực hiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27), diễn ra từ 6-18/11 tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất, quan trọng nhất hành tinh. Năm vấn đề chính của COP27 là thiên nhiên, thực phẩm, nước, khử cacbon và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại đây, đại diện của hầu hết các quốc gia trên thế giới thảo luận về những mục tiêu khí hậu cũng như tiến trình giảm phát thải, các quyết sách giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
“Nhân dịp này, UNICEF Việt Nam kêu gọi Chính phủ hãy bảo vệ sức khỏe, sự an toàn, học tập và các cơ hội của mọi trẻ em bằng cách xây dựng các dịch vụ xã hội thích ứng với khí hậu mà các em lệ thuộc vào – bao gồm nước và vệ sinh, y tế, giáo dục, dinh dưỡng, bảo trợ xã hội và bảo vệ trẻ em.”, ông Maharajan Muthu, trưởng Chương trình Vì sự sống còn, Phát triển và Môi trường của trẻ em, Đại diện UNICEF Việt Nam, nói.
“Chính phủ hãy chuẩn bị cho con em của chúng ta sống trong một thế giới biến đổi khí hậu bằng cách nâng cao ‘năng lực thích ứng’ của các em, đảm bảo tiếng nói của trẻ em được lắng nghe và hành động, đồng thời nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng để các em có thể tham gia kiến tạo một tương lai bền vững”, ông Muthu kêu gọi, thêm rằng chính phủ, các doanh nghiệp và những người ra quyết định cần ưu tiên trẻ em và thanh thiếu niên trong các nguồn lực và tài trợ khí hậu.
“Đầu tư và xây dựng các dịch vụ xã hội thích ứng với khí hậu cho trẻ em có thể cứu và bảo vệ cuộc sống, nhưng chưa đúng mức và thiếu nguồn lực”, ông nói.
Phong Vân