Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) do Mỹ sản xuất đã được lực lượng phòng thủ Ukraine sử dụng để gây thiệt hại nặng cho các điểm tập trung quân và trung tâm tiếp tế của Nga khi Kiev đẩy mạnh các cuộc phản công trên nhiều hướng.
Các đồng minh của Mỹ trong NATO cũng đã chú ý tới HIMARS và hệ thống vũ khí này dường như sẽ trở thành một phần quan trọng trong lá chắn phía đông giáp với Nga của liên minh. Tuần trước, Litva đã trở thành quốc gia Baltic cuối cùng của NATO đạt được thỏa thuận mua HIMARS, với việc Mỹ phê duyệt việc bán 8 hệ thống với giá 495 triệu USD.
Các đối tác Estonia và Latvia lần lượt công bố kế hoạch mua 6 hệ thống HIMARS vào tháng 7 và tháng 10. Trước đó, Ba Lan đã đạt được thỏa thuận đầu tiên mua 20 hệ thống HIMARS vào năm 2018. Do nhu cầu tăng cường quân sự mạnh mẽ, bên cạnh việc bổ sung thêm hàng trăm hệ thống HIMARS vào kho vũ khí của mình, những lo ngại về thời gian chuyển giao hàng kéo dài đã khiến Warsaw tìm kiếm thêm các hệ thống Chunmoo từ Hàn Quốc.
Xem Ukraine phóng tên lửa từ hệ thống HIMARS trên một đường cao tốc ở Vùng Zaporizhia (Nguồn: Telegraph)
Mark Voyger, cựu cố vấn đặc biệt về các vấn đề Nga và Á – Âu cho Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, Tướng Ben Hodges, cho biết: “HIMARS đã chứng minh tính hiệu quả và đây là lần đầu tiên HIMARS được sử dụng với số lượng lớn như vậy, đặc biệt là để chống lại lực lượng vũ trang của một quốc gia khác”.
Ông Voyger nói thêm: “Chúng rất chính xác và rất mạnh về mặt vật lý, 6 hoặc 12 tên lửa này uy lực hơn nhiều so với những gì các lực lượng Nga đang bắn – GRAD, SMERCH và các hệ thống khác. Và quan trọng nhất, chúng có tầm bắn xa”.
Phòng thủ vùng Baltic
Các quốc gia vùng Baltic – từ lâu tỏ ra cứng rắn với Nga hơn so với nhiều đồng minh phương Tây – đã đi đầu trong hỗ trợ ngoại giao và quân sự cho Kiev. Trong những năm tới, khu vực này có khả năng thể hiện là một khối mạnh mẽ trong nội bộ NATO và Liên minh châu Âu, thúc đẩy sự ngăn chặn quyết đoán hơn trước Nga, được củng cố bởi quân đội mạnh hơn.
Darius Antanaitis, một nhà phân tích quốc phòng người Litva, nói với Newsweek rằng việc chính phủ Litva mua các hệ thống HIMARS nên được hiểu là một phần trong chiến lược xoay trục rộng lớn hơn hướng tới các lực lượng vũ trang có năng lực chiến trường hơn, cũng như một động thái hướng tới sự hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ.
“Bạn cần phải có năng lực chiến đấu thực sự để có thể đương đầu với một đội quân như quân đội Nga”, ông Antanaitis nói. “Dựa vào các đồng minh như Mỹ, Đức hay Ba Lan là chưa đủ. Bạn phải có khả năng tự mình chiến đấu”.
NATO hy vọng rằng các vũ khí tiên tiến như HIMARS sẽ giúp ngăn chặn một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga.
Các nhà lãnh đạo khu vực từ lâu đã phản đối khái niệm “rào thép gai” của NATO, vốn coi các quốc gia vùng Baltic như một hệ thống cảnh báo sớm – hay “gờ giảm tốc” – trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga.
Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến liên minh từ bỏ khái niệm “rào thép gai” để chuyển sang phòng thủ và răn đe mạnh mẽ hơn.
Ông Olevs Nikers, Chủ tịch Quỹ An ninh Baltic, nói với Newsweek: “Tình hình an ninh ở sườn phía đông của NATO xấu đi nhanh chóng sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine hồi tháng 2… Các nước vùng Baltic là những nước dễ gặp phải mối đe dọa nhất, và hiện tại, điều quan trọng đối với Đông Âu và các nước Baltic, cũng như đối với các cộng đồng châu Âu và xuyên Đại Tây Dương, là đảm bảo độ tin cậy của khả năng răn đe cho sườn phía đông.”
“Chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu”, ông Olevs nói thêm, lưu ý đến cả các vũ khí chống tăng, phòng không, khẩu đội tên lửa bờ biển, hệ thống tên lửa phóng loạt và radar hỗ trợ.
Các quốc gia Baltic quá nhỏ để có thể chịu được bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào từ Nga, đặc biệt nếu họ bị cắt đứt khỏi Ba Lan bởi một cuộc tấn công từ phía Belarus qua dải đất Suwalki Gap.
“Loại pháo tầm xa này, tôi nghĩ nó sẽ thay đổi cuộc chơi đối với các quốc gia vùng Baltic và đối với Ba Lan. Tôi tưởng tượng rằng các đơn đặt hàng sẽ tăng lên gấp bội từ các nước vùng Baltic và Ba Lan, có thể cả Romania và Bulgaria nữa”, ông Olevs nhận định.
HIMARS sẽ giúp các quốc gia Baltic vô hiệu hóa, hoặc ít nhất là làm suy yếu, vũ khí thông thường mạnh nhất của Nga là pháo binh.
HIMARS đã chiếm được cảm tình của người Ukraine và những người ủng hộ Kiev trên khắp thế giới. Nhưng nó chỉ là một phần của bài toán răn đe chiến lược rộng lớn hơn nhiều. “Chúng ta phải hiểu rằng HIMARS chỉ là một hệ thống, nó không phải là một ‘vũ khí kỳ diệu’”, ông Antanaitis nói.
Tỷ lệ tiêu hao vũ khí và đạn dược của phương Tây cũng đặt ra những vấn đề khác. Lockheed Martin – nhà sản xuất HIMARS – đã tăng cường sản xuất, nhưng các quốc gia phương Tây thường có kho vũ khí hạn chế hơn so với Nga.
Ông Voyger nhận xét: “Vấn đề là với tính mạnh mẽ, tầm xa và chính xác như vậy, đây là những hệ thống cực kỳ tốn kém để vận hành. Chúng ta sẽ xem liệu độ chính xác và sức mạnh tầm xa của HIMARS có thể bù đắp được với sự đa dạng của các hệ thống của Nga hay không.”