Thứ ba, 22/11/2022, 08:15 (GMT+7)
Con mèo duy nhất bay vào vũ trụ
PhápDù sống sót sau chuyến bay kéo dài 15 phút trên quỹ đạo năm 1963, mèo Félicette sau đó bị trợ tử để các nhà khoa học có thể nghiên cứu não của nó.
Trước khi phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ, các nhà khoa học từng sử dụng động vật để tìm hiểu sự sống có thể tồn tại trước những tác động của chuyến bay hay không. Họ cũng dùng động vật để kiểu tra những quá trình sinh học khác nhau và ảnh hưởng của vi trọng lực lên tổ chức sinh vật sống. Vài quốc gia bao gồm Mỹ và Xô Viết từng đưa động vật vào không gian, bao gồm nhiều loài vật như chó, chuột, linh trưởng, cá, ếch, nhện và côn trùng.
Tính đến nay, con mèo duy nhất từng bay vào vũ trụ tên là Félicette, phóng vào quỹ đạo năm 1963 trong chương trình không gian của Pháp. Félicette là con mèo hoang bắt trên đường phố Paris. Nó nằm trong số 14 con mèo được lựa chọn bởi Trung tâm nghiên cứu và giáo dục y học hàng không vũ trụ Pháp (CERMA) để huấn luyện bay vào không gian.
Quá trình huấn luyện bao gồm một số thử nghiệm trong máy ly tâm và trải qua thời gian dài mặc đồ cố định tứ chi. Các nhà nghiên cứu cũng đặt thiết bị cấy ghép và điện cực lên cơ thể chúng. Mục đích chủ yếu của việc sử dụng mèo ở thời điểm đó là do không ai biết ảnh hưởng của vi trọng lực lên tổ chức phức tạp như con người. “Nếu mèo sống sót, con người cũng có thể”, , Keith Crisman, giáo sư ở khoa Nghiên cứu vũ trụ tại Đại học Bắc Dakota, giải thích. “Những con mèo này được đặt trong tình huống huấn luyện căng thẳng, bao gồm bộ đồ bó chặt để ngăn cử động và máy ly tâm. Ngoài ra, chúng cũng trải qua nhiều thử nghiệm xâm lấn khác”.
Các nhà khoa học Pháp rút gọn nhóm 14 con mèo xuống còn 6 con dựa trên hành vi và thái độ của chúng trong thời gian huấn luyện. Cuối cùng, Félicette được chọn do sự điềm tĩnh và cân nặng của nó. Ban đầu, nó chỉ có số hiệu C341 và không có tên gọi. Nhóm nghiên cứu cũng chọn một con mèo dự phòng không tên. Vào ngày 18/10/1962, Félicette phóng trên tên lửa Véronique AG1từ căn cứ ở Algeria trên sa mạc Sahara. Trong suốt chuyến bay kéo dài chưa đến 15 phút, con mèo đạt tới độ cao gần 160 km, trải qua tình trạng không trọng lực trong thời gian ngắn và lực gia tốc 9,5 G. Con mèo sống sót sau khi khoang tàu chở nó tách thành công khỏi tên lửa và hạ cánh bằng dù an toàn xuống mặt đất.
Ron Doel, phó giáo sư lịch sử ở Đại học Florida, cho biết ý tưởng đưa động vật vào không gian giữa thế kỷ 20 nhằm làm sáng tỏ con người có thể thích nghi như thế nào trong môi trường này. Các nhà nghiên cứu cũng quan tâm tới vấn đề như phơi nhiễm bức xạ ở quỹ đạo thấp của Trái Đất và ảnh hưởng kèm theo.
Trong thời gian huấn luyện, những điện cực được đặt ở não mèo để theo dõi hoạt động thần kinh. Điều này khiến quá trình huấn luyện bị giới hạn trong vài tháng. Theo Crisman, điện cực đặt ở nhiều điểm khác nhau trên hộp sọ và xoang trán, chân trước, chân sau, có thể dùng để mô phỏng xung điện cho một phản ứng.
Các nhà nghiên cứu theo dõi nhịp thở của Félicette bằng ống thu thanh trên ngực và chóp hình nón ở đầu tên lửa. Nó trải qua 5 phút trong môi trường vi trọng lực và lực gia tốc 9,5 G khi phóng và 7G khi hạ cánh. Để so sánh, phi hành gia tàu con thoi chịu lực 3G và phi hành gia trên tàu Dragon của SpaceX chịu lực 4G, tương tự phi hành gia Apollo bay bằng tên lửa Saturn V. Dữ liệu mà các nhà nghiên cứu thu được hé lộ con mèo có nhịp tim và nhịp thở tăng trong lúc cất và hạ cánh nhưng trở về trạng thái bình thường trong môi trường vi trọng lực.
Dù sống sót sau chuyến bay, Félicette bị trợ tử hai tháng sau đó để các nhà khoa học có thể tiến hành nghiên cứu não của nó. Năm 2019, một bức tượng đồng của con mèo được dựng tại Đại học Vũ trụ Quốc tế ở Strasbourg, Pháp để kỷ niệm.
Tuy Félicette là con mèo duy nhất bay vào vũ trụ, Pháp từng thử phóng một con mèo khác. Ngày 24/10/1963, Pháp lần thứ hai phóng tàu với một con mèo trong cabin nhưng tên lửa bị trục trặc và cất cánh theo góc hiểm khiến con vật chết trong tai nạn. Nó chết do những vết thương trong phần chóp nón tên lửa. Tất cả những con mèo còn lại, trừ một con, bị trợ tử vào cuối chương trình. Con duy nhất thoát chết do nó có phản ứng với điện cực. Sau này, con mèo cái được nuôi như biểu tượng của cả đội.
Vào thập niên 1940, Không quân Mỹ từng sử dụng một số con mèo trong nghiên cứu bay vũ trụ nhưng chúng không bao giờ bay vào không gian mà được dùng trong thử nghiệm chuyển động ở môi trường vi trọng lực.
An Khang (Theo Newsweek)