Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ là giải thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng các tác giả công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ đặc biệt xuất sắc, có tính đột phá về khoa học và công nghệ, hiệu quả kinh tế – xã hội, có giá trị to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng; là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ, tài năng của các nhà khoa học, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí – condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, cụm công trình này gắn liền với dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung, do Tiến sĩ Ngô Hữu Hải, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và 27 đồng tác giả thực hiện. Trước thềm Lễ trao giải, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với tác giả chính của cụm công trình.
Xin ông cho biết cụm công trình được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này có điểm gì xuất sắc, đột phá về công nghệ?
Thành công của cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí – condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” đã tạo ra hệ thống các giải pháp có giá trị rất cao về khoa học và công nghệ, đưa ra được hệ thống các giải pháp hoàn chỉnh, đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí.
Cụm công trình này gắn liền với dự án “Biển Đông 01” – dự án phát triển, xây dựng cụm giàn để khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh. Đây là cụm mỏ ngoài khơi xa nhất, là công trình trên biển lớn nhất do Việt Nam trực tiếp thiết kế, xây lắp và vận hành. Để đưa dự án đến thành công, phát triển, cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, liên tục, hiệu quả thì con người và khoa học công nghệ chính yếu tố quyết định.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biendong Poc) đã triển khai nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công hàng loạt các giải pháp từ địa chất/địa vật lý, khoan/hoàn thiện giếng đến thiết kế/thi công xây lắp công trình biển cũng như quản lý tối ưu mỏ và vận hành khai thác.
Hiện đã có tổ hợp 32 giải pháp, nhóm giải pháp và nhóm sáng kiến về khoa học và công nghệ được áp dụng, trong đó có thể kể đến các giải pháp tiêu biểu, mang tính đột phá như: Lần đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công hệ thống đầu giếng nổi thân lớn cho mỏ có điều kiện nhiệt độ cao, áp suất cao trên giàn đầu giếng khai thác Hải Thạch – Mộc Tinh; sáng tạo cải tiến, xây dựng giàn tiếp trợ nửa chìm nửa nổi (Semi-TAD) 15K đầu tiên trên thế giới; cải tiến kỹ thuật của hỗn hợp xi măng khô hệ Well-Life, sử dụng cho giếng khoan có áp suất cao nhiệt độ cao; hệ thống bắn mở vỉa không cần hỗ trợ của giàn khoan; thiết kế và tối ưu hóa choòng khoan kim cương đa tinh thể (PDC) trong đoạn thân giếng 8-1/2″ tại vùng mỏ Hải Thạch…
Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí – condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” đã tạo ra một hệ thống các giải pháp có hàm lượng chất xám cao, có giá trị đặc biệt về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng cho sự phát triển của khoa học công nghệ dầu khí. Điều này khẳng định khoa học và công nghệ đóng một vai trò rất quan trọng, mang tính chất quyết định sự thành bại của dự án “Biển Đông 01”. Đây cũng chính là thành tựu hết sức to lớn và tự hào của tập thể các nhà khoa học công nghệ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng và nền Khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung.
Việc phát triển thành công dự án khai thác khí – condensate Hải Thạch – Mộc Tinh mang lại hiệu quả và ý nghĩa như thế nào đối với thực tiễn xã hội, thưa ông?
Việc tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác hiệu quả cụm mỏ khí – condensate Hải Thạch – Mộc Tinh nhờ áp dụng những giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến, sáng tạo đã và đang đem lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội to lớn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và cho đất nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nguồn thu ngoại tệ cho nhà nước, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền trên biển ở cực Đông Nam của Tổ quốc.
Hiện nay, Biendong Poc đang là công ty khai thác khí và condensate lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị, tối ưu hóa quá trình quản lý và vận hành mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh. Biendong Poc đã khai thác tuyệt đối an toàn liên tục và hiệu quả hơn 16 tỷ m3 khí, hơn 26 triệu thùng condensate, tổng doanh thu lũy kế đạt gần 4,5 tỷ USD, nộp Ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ USD.
Tính đến tháng 11/2022, Biendong Poc đã đạt được 3.696 ngày tuyệt đối an toàn liên tục, thời gian làm việc của toàn bộ hệ thống công nghệ khai thác (Uptime) đạt 99,99% so với trung bình thế giới là 94%. Bên cạnh đó, cụm giàn Hải Thạch, Mộc Tinh còn là tiền đồn của Tổ quốc ở phía cực Đông Nam, là “ngọn hải đăng” trên biển làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh.
Những thành tựu, kinh nghiệm quý báu trong suốt quá trình thực hiện dự án “Biển đông 01” đã được chia sẻ, áp dụng thành công và rất hiệu quả tại các dự án dầu khí khác trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là tiền đề để các Tổng công ty, các công ty dịch vụ dầu khí kỹ thuật cao trong nước từng bước lớn mạnh, đủ năng lực cạnh tranh và triển khai các dự án trọn gói (EPCI) ở nước ngoài.
Bên cạnh ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế – chính trị – xã hội, thành công của dự án “Biển Đông 01” còn khẳng định sức mạnh nội lực, trình độ quản lý, năng lực của lực lượng kỹ sư dầu khí Việt Nam. Việt Nam đã từng bước làm chủ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất, chinh phục được những mỏ dầu khí có điều kiện địa lý, địa chất phức tạp, góp phần xứng đáng cho sự phát triển khoa học công nghệ của nước nhà.
Xin ông chia sẻ cảm nghĩ của mình cùng với đội ngũ tác giả trong quá trình thực hiện cụm công trình?
Việc thực hiện cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí – condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam”, đã khẳng định được vai trò, vị trí của đội ngũ nhà khoa học và công nghệ ở Việt Nam, đồng thời, cụm công trình đã khẳng định khả năng tự lực, tự cường, làm chủ về công nghệ, tạo động lực dám nghĩ, dám làm để thực hiện các dự án phức tạp và có quy mô rất lớn ở vùng nước sâu tại thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng mở ra những hướng mới trong nghiên cứu, phát triển công nghệ khai thác mỏ với điều kiện phức tạp hơn nữa. Cụm công trình cũng đánh dấu một bước phát triển lớn của nguồn nhân lực nội địa trong nghiên cứu, phát triển công nghệ và là chìa khóa để tiếp tục mang lại thành công trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam và vùng lân cận.
Trân trọng cảm ơn ông!