Đây là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh, khởi nghiệp và thảo luận, dự báo xu hướng thị trường. Đồng thời, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với các nguồn lực trong xã hội.
Tại diễn đàn năm nay, các chuyên gia chia sẻ, báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số Việt Nam từ con số 18 tỷ USD năm 2021 và dự kiến tăng lên 23 tỷ USD vào năm 2022. Nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ tăng trưởng, trong đó có 90% người dùng số dự định duy trì, thậm chí gia tăng tiêu dùng thương mại điện tử.
Dự kiến nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022 – 2025. Cùng đó, nền kinh tế số Việt Nam có nhiều tín hiệu rõ nét hơn khi sau đại dịch, với hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) quan tâm đến chuyển đổi số so với con số chỉ 30 – 40% trước đại dịch.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của những quỹ đầu tư mạo hiểm với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn. Nhiều ngành thu hút vốn lớn là công nghệ tài chính (Fintech), game, y tế, thương mại điện tử…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái. Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế số với cơ cấu dân số trẻ, GenZ (nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) và Gen Alpha (nhóm người được sinh ra từ sau năm 2010) chiếm trên 42%.
Với hai trong số các trụ cột chính giúp nắm bắt tiềm năng chuyển đổi số là phát triển hệ sinh thái công nghệ và đào tạo kỹ năng số cho người lao động, sinh viên… Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số và linh hoạt được xác định là hai từ khóa giúp doanh nghiệp nhanh chóng ứng biến trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao cũng như khó khăn trong thay đổi thói quen là hai rào cản hàng đầu trong chuyển đổi số. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (Vinasa), tỷ lệ doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%; trong đó có 99% SMEs gặp khó khăn về vốn nên thường coi chuyển đổi số là “sân chơi” dành riêng cho các ông lớn.
Chính vì vậy, bài toán được đặt ra ở đây là doanh nghiệp cần thích ứng như thế nào, ứng dụng giải pháp, công nghệ gì, xây dựng nguồn lực ra sao để duy trì ổn định và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng đột phá thông qua chuyển đổi số. Điển hình, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng bắt đầu từ một số lý do như sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu người dùng; áp lực cạnh tranh nội tại; sự xuất hiện sản phẩm kỹ thuật số thay thế từ công ty công nghệ khi mà Fintech cung cấp nhiều cách thức mới để nâng cao các dịch vụ ngân hàng.
Ông Vũ Hồng Phú, Thành viên Ban điều hành MB Bank, kiêm Tổng giám đốc MB Ageas Life chia sẻ, trong hành trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức, có thể kể đến như câu chuyện về hành lang pháp lý, vốn đầu tư, đào tạo nhân sự, rủi ro trên không gian mạng và nhiều vấn đề khác. Nhằm vượt qua những thách thức này, ngành ngân hàng đã đưa ra một số giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo, giải pháp sinh trắc học hay công nghệ bảo mật dữ liệu… nhưng vẫn cần những định hướng, giải pháp có tính hiệu quả và mạnh mẽ hơn.
Tại MB Bank, chiến lược hoàn thiện hệ sinh thái tài chính cộng với chiến lược kinh doanh số được triển khai quyết liệt đã giúp ngân hàng hoạt động ổn định ngay trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn vì COVID-19. Bên cạnh đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục cả chiều rộng lẫn chiều sâu, MB Bank cũng là một trong những ngân hàng chuyển đổi mô hình kinh doanh nhanh nhất trong 5 năm qua.
Còn ông Phan Đức Trung, Chủ tịch HĐQT Decom Holdings, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, công nghệ chuỗi khối (Blockchain technology) đang từng ngày khẳng định là tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số thế giới. Với những ưu điểm là tính hiệu quả, phi tập trung, minh bạch, tbền vững, bảo mật cao… Blockchain mở ra tiềm năng lớn cho doanh nghiệp tối ưu vận hành, quản trị hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Với bất kỳ lĩnh vực nào lưu trữ dữ liệu, nhất là dữ liệu nhạy cảm sẽ có lợi khi sử dụng Blockchain. Công nghệ này, đã dần thâm nhập vào thị trường Việt Nam và được ứng dụng vào hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực, gồm: tài chính, ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục, nông nghiệp…
Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp tham gia Shark Tank Forum 2022 cũng chỉ ra rằng, những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn. Hơn thế nữa, Ban lãnh đạo doanh nghiệp có thể ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên…, từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh.
Các doanh nghiệp nhận diện, chuyển đổi số phải bắt đầu và kết thúc bằng khách hàng, cũng như doanh nghiệp không thể tồn tại nếu thiếu khách hàng. Vì vậy, khách hàng luôn là mục tiêu cuối cùng mà doanh nghiệp nỗ lực hướng tới và động lực xây dựng quá trình chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp.
Trong bối cảnh cả thế giới chuyển mình bước vào kỷ nguyên công nghệ, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là điều bắt buộc với mỗi doanh nghiệp nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Mỗi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác nhau với quy mô, nguồn lực khác nhau sẽ cần ứng dụng những cách thức riêng tùy theo tình hình thực tế.