Năm 2022 có thể được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận đến các thị trường thế giới.
Riêng với Trung Quốc, trước tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này với các quy định tạm thời. Tiếp đến, sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước. Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, quả chanh và bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được 2 bên ký kết vào ngày 15/11/2022. Mới đây, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cũng đã công bố cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản vào ngày 18/11/2022.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, việc mở cửa được thị trường, ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng minh bạch và cũng là tạo động lực cho người nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn.
Chẳng hạn, theo yêu cầu của các đối tác cũng như thông lệ quốc tế, diện tích vùng trồng được cấp mã số ít nhất phải 10ha trở lên. Các mã số vùng trồng được cấp thời gian qua, đều có diện tích trên 10ha, có mã số lên đến hàng trăm ha, tạo điều kiện cho người dân chung tay hợp tác với nhau, áp dụng quy trình kỹ thuật giống nhau, tạo ra sản phẩm đồng đều. Họ vừa phối hợp vừa kết hợp nhưng có sự kiểm soát lẫn nhau để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nhờ đó, chất lượng sản phẩm tăng lên, giá cả tăng lên. Điển hình, sầu riêng giá đã tăng gấp 3 so với trước khi có nghị định thư, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân, ông Hoàng Trung chia sẻ.
Tuy nhiên, những lợi thế trên chỉ được phát huy hiệu quả, khi các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh. Đặc biệt quan trọng là sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.
Với chanh, bưởi sang New Zealand, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật thông tin, vườn trồng được quản lý dịch hại các đối tượng kiểm dịch thực vật mà New Zealand quan tâm và được cấp mã số cùng cơ sở đóng gói. Sản phẩm phải được chiếu xạ kèm và theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Riêng với quả nhãn sang thị trường Nhật Bản thì đây là loại quả thứ 4 được phép xuất khẩu sang thị trường này sau: thanh long, xoài và vải. Khác với quả vải, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, quả nhãn sẽ phải áp dụng biện pháp xử lý lạnh nhằm đảm bảo không có rủi ro nhiễm ruồi đục quả Bactrocera dorsalis. Đây là biện pháp Việt Nam chưa áp dụng xử lý trên bất kỳ loại quả nào.
Để đưa ra được biện pháp xử lý lạnh, từ tháng 1/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành thí nhiệm biện pháp xử lý lạnh. Đến tháng, 6/2022 hoàn thành các giai đoạn thí điểm. Hôm nay (24/11), các chuyên gia của Nhật Bản bắt đầu tiến hành kiểm tra, vận hành thực tế tại các cơ sở áp dụng biện pháp xử lý lạnh này.
“Trước đây, đối với quả vải để xuất khẩu sang Nhật Bản, lần đầu tiên Việt Nam cũng đã thành công với biện pháp xử lý bằng Methyl Bromide. Do đó, việc áp dụng biện pháp xử lý lạnh đã có quy trình vận hành, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt theo sự giám sát, hướng dẫn của cơ quan kiểm dịch Nhật Bản và Việt Nam để quả nhãn được xử lý thành công và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Với khoai lang, ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin, ngày 23/11/2022, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã công bố trên trang website về yêu cầu kiểm dịch này. Ngoài việc thực thi nghiệm ngặt về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy trình sản xuất… trước khi xuất khẩu khoai lang phải tiến hành lấy mẫu 2% mỗi lô hàng.
Nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch mà Trung Quốc quan tâm còn sống, còn lá hoặc đất thì lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc và doanh nghiệp xuất khẩu cũng như vùng trồng khoai lang liên quan sẽ bị tạm dừng xuất khẩu. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cấp cho các lô hàng đáp ứng yêu cầu và ghi thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói, số container và số seal, ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy và tạo động lực việc xuất khẩu các sản phẩm mới hoàn thành mở cửa thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các sự kiện xuất khẩu lô hàng đầu tiên đối với các sản phẩm trên. Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan những quy định của Trung Quốc, New Zealand và Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với khoai lang, chanh, bưởi và nhãn.
Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chuyên ngành tại các địa phương sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và nông dân đảm bảo cho các lô hàng khoai lang, nhãn, chanh, bưởi nhanh chóng đến với người tiêu dùng của Trung Quốc, New Zealand, Nhật Bản.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật mong muốn, các thành phần tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản tiếp tục cập nhật thông tin kịp thời, kết nối chặt chẽ để đảm bảo thông suốt thương mại nông sản ở các thị trường đã có, cũng như mở rộng các cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Qua đó, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên các vùng trồng uy tín, chất lượng và giá trị cao.