Kính Hubble chụp ảnh ‘cây cầu’ nối hai thiên hà
NASA công bố ảnh chụp mới tuyệt đẹp về bộ ba thiên hà Arp 248 trong chòm sao Xử Nữ, cách Trái Đất khoảng 200 triệu năm ánh sáng.
Hình ảnh dưới đây được chụp bởi camera khảo sát tiên tiến của kính viễn vọng không gian Hubble là một phần của dự án khảo sát các tập hợp thiên hà bất thường do nhà thiên văn học Halton Arp và Barry Madore dẫn đầu.
Mỗi tập hợp chứa một loạt: thiên hà xoắn ốc một nhánh hoặc ba nhánh, thiên hà có cấu trúc giống như vỏ sò, hay cụm thiên hà tương tác. Hệ thống Arp 248 là một ví dụ điển hình.
Bộ ba thiên hà này nằm trong chòm sao Xử Nữ cách Trái Đất khoảng 200 triệu năm ánh sáng. Trong ảnh chụp mới được NASA công bố vào tuần trước, Hubble có vị trí thuận lợi để quan sát cả ba thiên hà trong cùng một khung hình.
Hình ảnh cho thấy hai trong số ba thiên hà dường như liên kết với nhau bằng một “cây cầu ánh sáng” được gọi là đuôi thủy triều. Dòng bụi và sao kéo dài này hình thành khi hai thiên hà di chuyển rất gần nhau. Cả hai đều ảnh hưởng lẫn nhau bởi lực hấp dẫn cực mạnh và do đó, kéo nhau giống như trò chơi kéo co.
Trong khi đó, thiên hà xoắn ốc thứ ba nằm ở hậu cảnh không liên kết trực tiếp với cặp thiên hà còn lại và cách xa hơn 10 triệu năm ánh sáng, theo AstroBin.
Với sự phong phú của các thiên thể và cấu trúc không gian trên bầu trời đêm, những dự án khảo sát như thế này sẽ giúp xác định “đối tượng nghiên cứu triển vọng” cho các quan sát trong tương lai bằng kính viễn vọng không gian James Webb, mạng lưới kính viễn vọng vô tuyến ALMA và chính Hubble.
Đoàn Dương (Theo NASA)