Lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện cho căn cứ Mặt Trăng
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang phát triển lò phản ứng hạt nhân có thể sản xuất một megawatt điện cho căn cứ Mặt Trăng trong tương lai.
Wu Weiren, giám đốc thiết kế chương trình khám phá Mặt Trăng của Trung Quốc, cho biết nước này đang phát triển một hệ thống mới sử dụng điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng công suất cao trong dài hạn của căn cứ Mặt Trăng, South China Morning Post hôm 22/11 đưa tin. Ông không tiết lộ chi tiết kỹ thuật của lò phản ứng đang được xây dựng, nhưng các báo cáo trước đó cho thấy thiết bị có thể sản xuất một megawatt điện, đủ để cung cấp điện cho hàng trăm ngôi nhà trong một năm.
Năng lượng hạt nhân là nguồn điện liên tục và đáng tin cậy bất kể vị trí hay lượng ánh sáng Mặt Trời sẵn có. Hệ thống sản xuất điện hạt nhân sẽ cấp điện cho các thiết bị vận hành và cho phi hành gia để tạo ra oxy và khai thác nước, cùng nhiều mục đích khác. Theo dự kiến, căn cứ Mặt Trăng của Trung Quốc sẽ hoàn thành vào năm 2028. Cấu hình cơ bản của căn cứ sẽ bao gồm một thiết bị đổ bộ, robot nhảy, tàu quay quanh quỹ đạo và robot sử dụng năng lượng hạt nhân.
Theo Wu, robot mới có thể chở phi hành gia và lớn hơn nhiều hai robot hoạt động trên Mặt Trăng của Trung Quốc, bao gồm robot Thỏ Ngọc 2 vẫn lăn bánh bằng năng lượng mặt trời ở vùng tối của Mặt Trăng sau gần 4 năm. Năng lượng hạt nhân cũng được dùng cho robot nhảy, thiết bị có thể cất cánh nhiều lần từ bề mặt Mặt Trăng và nhảy vào/ra khỏi miệng hố ở khu vực chìm trong bóng tối vĩnh viễn để tìm kiếm nước.
Lò phản ứng sản xuất điện hạt nhân sẽ hỗ trợ các hệ thống liên lạc của căn cứ, để duy trì kết nối với Trái Đất cũng như chuyển tiếp tín hiệu giữa Trái Đất, sao Hỏa và địa điểm xa hơn trong những nhiệm vụ không gian sâu. Wu cho biết cấu hình cơ bản của lò sẽ được xây dựng trong các nhiệm vụ Hằng Nga 6, 7 và 8. Không lâu sau đó, phi hành gia Trung Quốc sẽ đặt chân lên Mặt Trăng lần đầu tiên.
Ở giai đoạn sau, căn cứ sẽ mở rộng thành nơi nghiên cứu khoa học quốc tế và tiếp đón phi hành gia từ Trung Quốc, Nga và nhiều đối tác tiềm năng khác tới làm việc. Nhưng phần lớn thời gian, căn cứ không có người ở. Nằm ở 89 độ vĩ nam, căn cứ sẽ trải qua 180 ngày có ánh Mặt Trời chiếu sáng, đủ lâu để cả thiết bị và phi hành gia làm việc. Trung Quốc vẫn đang phát triển tàu vũ trụ cho nhiệm vụ Hằng Nga 6, 7 và 8.
An Khang (Theo SCMP)