Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế năm 2022 chủ trì các phiên họp.
Tham dự phiên họp có các Ủy viên Hội đồng của bốn quốc gia thành viên với sự có mặt của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mê Công Quốc gia Campuchia ông Te Navuth, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào bà Bounkham Vorachit, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng của Thái Lan Anucha Nakasai cùng đại diện các đối tác phát triển, đối tác đối thoại và các tổ chức quốc tế trong khu vực.
Trong năm 2022, nhiều hoạt động hợp tác đã được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật, đó là Ủy hội tiếp tục cụ thể hóa các cam kết của lãnh đạo cấp cao các nước thông qua việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực Mê Công giai đoạn 2021-2030 và các thủ tục sử dụng nước.
Tại phiên họp, các Bộ trưởng thành viên Hội đồng Ủy hội cũng xem xét thông qua Kế hoạch công tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong hai năm 2023 – 2024, trong đó tập trung vào tiếp tục nâng cấp các mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước và môi trường của Ủy hội; tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin, số liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước giữa các quốc gia thành viên và với hai nước thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar; thực hiện hiệu quả quá trình tham vấn các công trình thủy điện dòng chính, đặc biệt tăng cường tham vấn cộng đồng người dân bị tác động trong quá trình phát triển; tăng cường chất lượng các dịch vụ về dự báo, cảnh báo thiên tai để cung cấp thông tin kịp thời cho các quốc gia ven sông.
Ngoài ra, Hội đồng cũng thảo luận về các vấn đề nổi bật của lưu vực Mê Công và định hướng chính sách của Ủy hội đối với vấn đề này, đồng thời thảo luận tăng cường hợp tác với các đối tác.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Ủy hội đã đạt được thời gian qua cùng với nỗ lực hợp tác của các quốc gia thành viên và sự hỗ trợ kỹ thuật của Ban Thư ký Ủy hội. Bộ trưởng hoan nghênh việc Ủy hội đã thông qua hai hướng dẫn kỹ thuật quan trọng liên quan tới thiết kế thủy điện dòng chính, đánh giá tác động môi trường nhằm giúp giảm thiểu tác động môi trường xuyên biên giới. Cột mốc này đánh dấu sự nỗ lực và kiên trì của các nước thành viên, cùng nhau hành động vì một lưu vực sông Mê Công phát triển bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Ủy hội cần chủ động thúc đẩy các hoạt động quan trọng như quá trình tham vấn vùng cho các Dự án thủy điện Sa-na-kham và Phua Ngòi. Việc đạt được sự đồng thuận về Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động chung là hết sức cần thiết vì thể hiện các cam kết và hành động cần triển khai để giám sát quá trình thực hiện dự án.
Dòng chảy sông Mê Công những năm gần đây đối mặt thường xuyên hơn với những diễn biến bất thường, đặc biệt là gia tăng những đợt hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ trưởng đề nghị Ủy hội cần tiếp tục duy trì, thúc đẩy các hoạt động quan trắc và dự báo các rủi ro do hạn hán, lũ lụt gây ra cũng như tầm quan trọng của việc tăng cường thông tin, số liệu về điều kiện thủy văn, chia sẻ giữa các quốc gia và đối tác đối thoại của Ủy hội là Trung Quốc và Myanmar, mang lại lợi ích cho tất cả người dân sống trong lưu vực.
Vào cuối Phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà – Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2022 đã chuyển giao chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2023 cho Ủy viên Hội đồng của Campuchia.
Phiên họp lần thứ 30 của Hội đồng sông Mê Công quốc tế dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2023 tại Campuchia.