Tàu NASA bay qua Mặt Trăng ở khoảng cách gần nhất
Tàu Orion chỉ cách bề mặt Mặt Trăng 130 km vào 19h44 ngày 21/11 và hoàn thành hoạt động đốt động cơ tự động để tiếp tục nhiệm vụ Artemis 1.
Tàu vũ trụ Orion không người lái của nhiệm vụ Artemis 1 bay về phía Mặt Trăng từ khi cất cánh trên tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) phóng vào sáng ngày 16/11 ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida. Thao tác đốt động cơ giúp đưa tàu Orion tới đủ gần bề mặt Mặt Trăng để tận dụng lực hấp dẫn của nó, đẩy tàu vũ trụ vào quỹ đạo nghịch hành xa (DRO), theo Sandra Jones, phát ngôn viên của NASA.
Tàu Orion tự động hoàn thành việc đốt động cơ ở bên vùng tối của Mặt Trăng, nơi tín hiệu vô tuyến từ Trái Đất không thể truyền đến. Trong lần tiếp cận gần nhất này, con tàu bay lướt qua cách bề mặt Mặt Trăng 130 km vào 19h44 ngày 21/11 theo giờ Hà Nội. Phương tiện sẽ tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng sau 4 ngày nữa.
Artemis 1 là nhiệm vụ đầu tiên trong chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis của NASA, nhằm thiết lập căn cứ nghiên cứu cho các phi hành gia vào cuối thập kỷ 2020, cùng với nhiều mục tiêu khác. Nhiệm vụ Artemis 1 cũng đánh dấu lần hoạt động đầu tiên của SLS, tên lửa mạnh nhất từng phóng thành công.
Đến 25/12, tàu Orion sẽ tiến vào DRO, đường bay ổn định cách bề mặt Mặt Trăng 64.000 km, cho tới ngày 1/12. Lần đốt động cơ tiếp theo sẽ đưa khoang tàu trở về Trái Đất. “Quỹ đạo này rất khác quỹ đạo từng được sử dụng trong chương trình Apollo, khi tàu vũ trụ chở phi hành đoàn bay sát Mặt Trăng hơn theo hình tròn. Quỹ đạo nghịch hành xa rất quan trọng bởi nó giúp chúng ta tìm hiểu tàu vũ trụ vận hành như thế nào ở môi trường không gian sâu”, Jones cho biết.
Ngày 11/12, tàu Orion sẽ bay qua khí quyển Trái Đất ở tốc độ cực cao trước khi hạ cánh nhẹ nhàng xuống Thái Bình Dương ngoài khơi California.
Nếu nhiệm vụ Artemis 1 diễn ra thuận lợi, NASA sẽ bắt đầu chuẩn bị nhiệm vụ Artemis 2 nhằm đưa phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng. Năm 2025, cơ quan này lên kế hoạch phóng nhiệm vụ Artemis 3, chở phi hành gia hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng, nơi xây dựng căn cứ tương lai. Đây sẽ là nhiệm vụ đầu tiên chở phi hành gia nữ và phi hành gia da màu lên bề mặt Mặt Trăng.
An Khang (Theo Space)