Tàu NASA ghi hình Trái Đất từ khoảng cách 373.000 km
NASA chia sẻ video mới của tàu Orion quay Trái Đất ở phía sau Mặt Trăng trong lúc bay sát bề mặt vệ tinh này.
Artemis 1, chuyến bay đầu tiên trong chương trình Artemis của NASA, phóng hôm 16/11. Sau khi cất cánh trên tên lửa Hệ thống phóng không gian, tàu vũ trụ không người lái Orion đã hoàn thành mọi cột mốc quan trọng, bao gồm một lần đốt động cơ để tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng hôm 21/11. NASA chia sẻ video ghi lại khoảnh khắc tàu Orion quay hình Trái Đất trong lúc bay gần Mặt Trăng. Lúc đó, con tàu đang bay cách hành tinh 373.000 km, theo phát ngôn viên NASA Sandra Jones.
Hình ảnh độ nét cao của tàu Orion vượt xa ảnh chụp Trái Đất trước đó, gợi nhắc tới chuyến bay của tàu Apollo 8 vào ngày 24/12/1968, khi phi hành gia Bill Anders chụp ảnh Trái Đất nhô lên phía sau Mặt Trăng. Tương tự, tàu Voyager 1 của NASA cũng từng chụp ảnh “chấm xanh” từ phía trên mặt phẳng của hệ Mặt Trời và ở ngoài quỹ đạo sao Hải Vương. Trong những năm gần đây, các vệ tinh quan sát Trái Đất như Suomi NPP và GOES-16 đều chụp ảnh hành tinh từ xa.
Vào ngày 1/12, module dịch vụ của tàu Orion sẽ tiến hành đốt để rời khỏi DRO, đưa tàu bay gần Mặt Trăng sau đó 4 ngày. Tiếp theo, module dịch vụ sẽ thực hiện đốt lần cuối để tàu Orion tiến vào hành trình trở về Trái Đất trong 6 ngày. Hôm 11/12, tàu Orion sẽ lao qua khí quyển Trái Đất ở tốc độ 40.000 km/h, một thử nghiệm lớn đối với khoang tàu và tấm chắn nhiệt khi phải chịu nhiệt độ lên tới 2.750 độ C. Tàu Orion sau đó sẽ hạ cánh bằng dù xuống Thái Bình Dương, kết thúc nhiệm vụ Artemis 1.
Nếu nhiệm vụ Artemis 1 diễn ra suôn sẻ, Artemis 2 sẽ đưa phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2024 và Artemis 3 sẽ chở phi hành đoàn hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng sau đó một năm. Từ đó, NASA sẽ tiếp tục xây dựng căn cứ bền vững trên bề mặt và quanh Mặt Trăng, mục tiêu chính của chương trình Artemis.
An Khang (Theo Space)