Tàu Nhật Bản từ bỏ nỗ lực đáp xuống Mặt Trăng đầu tiên
Sự cố liên lạc khiến con tàu nhỏ phóng cùng nhiệm vụ Artemis I chưa thể đưa Nhật Bản trở thành nước thứ 4 có tàu đáp xuống Mặt Trăng.
Các thiết bị theo dõi tàu vũ trụ OMOTENASHI không nhận được tín hiệu từ con tàu vào đúng thời điểm cần thiết cho chuyến đáp xuống Mặt Trăng theo kế hoạch, Space hôm 23/11 đưa tin. “Không thể thiết lập liên lạc với tàu vũ trụ và hoạt động hạ cánh xuống Mặt Trăng được xác định là không thể thực hiện”, Cơ quan Thám hiểm và Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) viết trên mạng xã hội Twitter.
OMOTENASHI và 9 vệ tinh/tàu vũ trụ nhỏ khác bay cùng tàu Orion của NASA trong nhiệm vụ Artemis I. Các phương tiện nhỏ này tách khỏi tên lửa SLS không lâu sau khi tên lửa phóng lên hôm 16/11. JAXA hy vọng có thể chuyển hướng tàu vũ trụ của mình cho một nhiệm vụ mới khoảng tháng 3/2023, khi điều kiện liên lạc có thể tốt hơn.
Các chuyên gia đang tìm hiểu lý do tại sao tàu vũ trụ nhỏ không thể liên lạc kịp thời. Thông tin ban đầu từ một trạm mặt đất cho thấy các tấm pin Mặt Trời không hướng về phía Mặt Trời và con tàu bị quay nhanh. Nhóm chuyên gia đã cố gắng khắc phục bằng cách xả một ít nhiên liệu để ổn định lại đường bay, nhưng sau đó nhận thấy không đủ điện áp và phải tắt máy truyền phát.
OMOTENASHI ban đầu dự kiến lao xuống bề mặt Mặt Trăng từ độ cao 100 – 200 m. Các túi khí và hệ thống giảm chấn sẽ giúp con tàu “sống sót” sau cú đâm này. Nếu thành công, Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ 4 có tàu hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng, sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc. Với kích thước 11 cm x 24 cm x 37 cm, đây sẽ là tàu nhỏ nhất từng đáp xuống thiên thể này.
Hiện tại, tàu vũ trụ Nhật Bản đang bay một mình trong không gian. Đến tháng 3 năm sau, vòng quay của tàu vũ trụ (nếu duy trì sự nhất quán) sẽ phù hợp hơn với vị trí của Mặt Trời, giúp nó thu được nhiều năng lượng hơn.
“Chúng tôi dự định nối lại các hoạt động thám hiểm vào khoảng thời gian đó và sau khi liên lạc với tàu vũ trụ được thiết lập, chúng tôi muốn tiến hành các thử nghiệm trên quỹ đạo”, nhóm phụ trách nhiệm vụ cho biết. Quá trình thử nghiệm sẽ tập trung vào những công cụ cho phép tàu vũ trụ nhỏ khám phá những điểm đến xa xôi trong tương lai.
Thu Thảo (Theo Space)