Hệ thống phòng không S-300 do Liên Xô phát triển, lần đầu tiên được Moskva trang bị vào cuối những năm 1970. Nó được sử dụng ở trên khắp Đông Âu cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991.
Thực trạng S-300 của Ukraine
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), riêng Ukraine được cho là đã có hơn 250 hệ thống S-300 ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2 năm nay.
Tính toán trên chưa bao gồm S-300 từ kho dự trữ của NATO được chuyển giao trong khuôn khổ viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Vào mùa Xuân năm nay, Mỹ đã kêu gọi các đồng minh bàn giao thêm S-300 từ các thành viên NATO ở Đông Âu cho Kiev.
Trong tháng 4, Slovakia – một thành viên NATO từ năm 2004 – đã chuyển giao một tổ hợp gồm 4 bệ phóng tên lửa di động S-300 và radar tương ứng để đổi lấy việc Đức chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Slovakia.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết: “S-300 là một hệ thống dễ dàng để các lực lượng Ukraine tích hợp”. S-300 đã được lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng trong nhiều năm.
Tuy nhiên, sẽ khó tìm được các hệ thống bổ sung để tiếp tục hỗ trợ Ukraine trang bị thêm hệ thống phòng không trên, CSIS cho biết trong một phân tích về các lựa chọn của phương Tây.
Hệ thống IRIS-T do Đức sản xuất, có lẽ là hệ thống phòng không di động trên bộ hiện đại nhất chống lại hỏa lực tên lửa, đã được sử dụng ở Ukraine. Nhưng hệ thống phòng không ở nhiều khu vực của Ukraine vẫn dựa vào S-300 cũ.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu S-300 của Ukraine đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga kể từ tháng 2/2022. Kiev vẫn giữ im lặng về những tổn thất kỹ thuật.
Tầm bắn của các hệ thống S-300 trên đất liền khác nhau, dao động từ 75 đến 195 km.
Tên lửa S-300 từ Ukraine bắn sang Ba Lan
Theo Chính phủ Ba Lan, tên lửa rơi tại làng Przewodow của nước này hôm 15/11 là một tên lửa S-300 cũ. Ngày 18/11, người phát ngôn chính phủ Ba Lan Petr Müller xác nhận một tên lửa phòng không Ukraine chứ không phải tên lửa của Nga đã rơi xuống ngôi làng gần biên giới Ba Lan – Ukraine này.
Ông Müller nói: “Các tài liệu do các cơ quan của chúng tôi và đồng minh thu thập cho thấy lý do của vụ việc này là các hành động phòng thủ của Ukraine trước những cuộc tấn công của Nga”.
Bộ Quốc phòng Nga cũng ra thông báo cho biết các chuyên gia thuộc Tổ hợp Công nghiệp – quân sự Nga đã xác định mảnh vỡ trong các bức ảnh chụp ở Ba Lan là các bộ phận của hệ thống phòng không S-300 của Không quân Ukraine.
Trước khi bị pháo kích dữ dội hôm 15/11, miền Tây Ukraine đã nhiều lần bị tấn công. Căn cứ quân sự Yavoriv của Ukraine, cũng như cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị nhắm mục tiêu.
Nằm cách vị trí tên lửa rơi ở Przewodow khoảng 90 km về phía Nam, Yavoriv là căn cứ quân sự ở cực Tây của Liên Xô cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Không rõ liệu tên lửa được phóng từ đó hay từ một địa điểm khác ở miền Tây Ukraine.