Một nguồn tin của NATO nói với mạng tin Euractiv.com ngày 23/11 rằng “may mắn thay”, Mỹ đã thành công trong việc thiết lập một cách tiếp cận ôn hòa đối với Nga trong NATO bất chấp những lời kêu gọi cứng rắn hơn.
Một số thành viên NATO tỏ ra e ngại về các cuộc trao đổi “đặc thù” giữa Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO và người đồng cấp Nga, Tướng Valery Gerasimov về vấn đề an ninh chung.
Khi xung đột Nga và Ukraine bắt đầu nổ ra, Mỹ và Nga đã thành lập một nhóm điều phối ngăn chặn khủng hoảng ở cấp độ chính trị-quân sự để tránh mọi hành động quân sự nguy hiểm xảy ra ở trên không hoặc trên biển trên toàn thế giới.
Hai quan chức quân sự trên gần đây đã đồng ý vệ sự “thận trọng”, đặc biệt là việc các tàu chiến không di chuyển gần nhau ở Biển Đen để tránh “sự cố” hoặc “tai nạn không mong muốn”, nguồn tin của NATO trên cho biết.
Trong khi một số thành viên Đông Âu đã phản ứng, đặt câu hỏi tại sao lại có những trao đổi như vậy với Nga, những thành viên khác cho biết ông Bauer được ủy quyền có kênh liên lạc này.
Cụ thể, có một nhóm các nước Đông Âu, Bắc Âu, Anh và các nước thuộc Nam Tư cũ ủng hộ cách tiếp cận “tổng bằng không” đối với Nga, trong khi các thành viên NATO truyền thống như Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp được cho là ôn hòa hơn trong vấn đề này.
Mỹ đã dẫn đầu trong NATO, và do đó cách tiếp cận “ôn hòa hơn” cho đến nay vẫn chiếm ưu thế. Mặt khác, Anh đã dần nghiêng về quan điểm của các nước Đông Âu, vì đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn, đặc biệt là sau Brexit.
Với Đức, nguồn tin trên cho biết nước này đã “không tồn tại” trong NATO hai năm qua: “Đức đóng góp tài chính và im lặng”, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Berlin sẽ sớm đóng một vai trò tích cực hơn.
Về phần mình, Nga đã “cực kỳ cẩn thận”, đặc biệt là ở Biển Đen, để tránh xảy ra va chạm.
Ian Lesser, Phó Chủ tịch Quỹ Marshall của Đức, nhận định: “Đức có chính sách bình thường hóa quan hệ của phương Tây với Nga, Mỹ lo ngại về sự ổn định chiến lược với một đối thủ có vũ khí hạt nhân. Điều này dẫn đến những khác biệt nhất định về quan điểm và đôi khi là khác biệt về chiến lược. Nhưng xét cho cùng, không có khác biệt cơ bản nào về chiến lược tổng thể của NATO”.