Bằng chứng con người nấu cá chép cách đây 780.000 năm
IsraelPhân tích mẫu răng cá cổ đại, các nhà nghiên cứu phát hiện cá chép từng được nấu ở mức nhiệt 200 – 500 độ C.
Các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng sớm nhất về nấu nướng tại địa điểm Gesher Benot Ya’aqov ở rìa hồ cổ Hula, Israel. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Ecology and Evolution hôm 14/11, cho thấy con người có thể chủ động dùng lửa để nấu thức ăn cách đây 780.000 năm. Trước đó, bằng chứng cổ xưa nhất về việc nấu ăn tồn tại từ 170.000 năm trước.
Những cư dân ven hồ, nhiều khả năng là người Homo erectus, đã nấu cá, theo tác giả nghiên cứu Irit Zohar, tiến sĩ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Steinhardt thuộc Đại học Tel Aviv. Zohar cho biết, địa điểm này không có hài cốt người nào nhưng lại có những công cụ đá giống với loại được tìm thấy tại các địa điểm của người Homo erectus trên khắp châu Phi.
Hồ nước cũng nông và người xưa có thể dễ dàng dùng tay bắt những con cá lớn như loài Luciobarbus longicep và Carasobarbus canis. Chúng thuộc họ cá chép, có thể dài tới 2 m nhưng hiện đã tuyệt chủng.
Nấu nướng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử loài người vì giúp thức ăn dễ nhai và dễ tiêu hóa hơn, tiêu diệt vi khuẩn, làm tăng giá trị năng lượng của thịt, tạo điều kiện cho con người chinh phục khắp thế giới.
Trước đó, Zohar đã tìm thấy một lượng lớn răng cá ven hồ Hula, nhưng có rất ít xương cá. Khác với răng, xương cá mềm đi dưới nhiệt độ cao và dễ bị phân hủy.
Để xác định xem những cư dân thời tiền sử của khu vực này thực sự nấu cá hay chỉ vứt bỏ phần thừa vào lửa, nhóm nghiên cứu phân tích những thay đổi về kích thước của tinh thể men răng. Các tinh thể này phản ứng khác nhau với sự thay đổi nhiệt độ.
Nhóm chuyên gia phân tích 56 chiếc răng của cá nước ngọt tiền sử, xác định những thay đổi do nấu ở nhiệt độ thấp và cao. Kết quả cho thấy cá được nấu ở nhiệt độ từ 200 – 500 độ C.
“Chúng tôi không biết chính xác cá được nấu như thế nào, nhưng do không có dấu vết tiếp xúc với nhiệt độ cao, rõ ràng chúng không được nấu trực tiếp trên lửa và không bị ném vào lửa như chất thải hay vật liệu để đốt”, tiến sĩ Jens Najorka, quản lý phòng thí nghiệm tia X tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng xem xét thành phần địa hóa của các đồng vị carbon và oxy trong men răng để tìm ra cá chết vào mùa nào. Nhờ đó, họ xác định rằng cá là món thường xuyên trong chế độ ăn, không phải món theo mùa hay lựa chọn cuối cùng khi các thực phẩm khác khan hiếm.
Thu Thảo (Theo CNN)