‘Rắn’ plasma tốc độ 612.000 km/h trên Mặt Trời
Tàu vũ trụ của NASA và ESA ghi hình luồng plasma lạnh di chuyển như rắn trên bề mặt Mặt Trời với tốc độ chóng mặt.
Thiết bị chụp ảnh cực tím của tàu vũ trụ Solar Orbiter ghi lại hình ảnh một “con rắn” trườn trên bề mặt Mặt Trời, Cnet hôm 14/11 đưa tin. Trong video time-lapse do tàu ghi lại hôm 5/9, con rắn mất 3 tiếng để bò qua bề mặt Mặt Trời với tốc độ chóng mặt lên tới 170 km mỗi giây hay 612.000 km/h.
Nhiệt độ cực cao của Mặt Trời đồng nghĩa toàn bộ khí trong khí quyển tồn tại ở dạng plasma, trạng thái vật chất siêu nóng. Con rắn là luồng plasma lạnh hơn, hình thành do sự tương tác giữa plasma với từ trường vô hình của Mặt Trời.
“Plasma trong con rắn đang đi theo một sợi từ trường đặc biệt dài, vươn từ phía này sang phía khác của Mặt Trời. Điều khiến con rắn trở nên hấp dẫn là nó xuất phát từ một khu vực hoạt động mạnh của Mặt Trời. Khu vực này sau đó phun trào và phóng hàng tỷ tấn plasma vào không gian”, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) viết trên website. Theo ESA, con rắn có thể là “tiền thân” của vụ phun trào.
Tàu Solar Orbiter do ESA hợp tác với NASA cùng vận hành. Con tàu phóng lên vũ trụ đầu năm 2020, bắt đầu nhiệm vụ nghiên cứu các vùng cực bí ẩn của Mặt Trời và ghi lại những hình ảnh chưa từng có về ngôi sao này. Con tàu vừa kỷ niệm ngày thứ 1.000 hoạt động trong không gian vào đầu tháng này.
Dữ liệu về con rắn và vụ phun trào do tàu Solar Orbiter và Parker Solar của NASA thu thập sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hoạt động của Mặt Trời cũng như cách ngôi sao này tạo ra các hiện tượng thời tiết không gian tác động đến những hệ thống liên lạc và định vị trên Trái Đất.
Thu Thảo (Theo Cnet)