Công cụ đánh dấu nô lệ của người Ai Cập cổ đại
Một số văn tự cổ cũng như 10 dụng cụ đánh dấu có niên đại 3.000 năm trước cho thấy người Ai Cập cổ đại in dấu lên nô lệ.
Các dụng cụ đánh dấu làm bằng đồng đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Anh và Bảo tàng Khảo cổ Ai Cập tại Đại học London. Các nhà khảo cổ cho rằng chúng có niên đại từ vương triều thứ 19 của Ai Cập, từ khoảng năm 1292 trước Công nguyên tới vương triều thứ 25 (kết thúc năm 656 trước Công nguyên), theo nghiên cứu công bố hôm 15/10 trên tạp chí Egyptian Archaeology.
Trước đây, phần lớn các nhà Ai Cập học cho rằng dụng cụ đánh dấu được dùng cho gia súc hoặc ngựa, tập tục thường thấy trong nhiều hình vẽ Ai Cập cổ đại. Nhưng dụng cụ ở bảo tàng quá nhỏ cho mục đích đó, theo Ella Karev, nhà nghiên cứu ở Đại học Chicago.
Những hướng dẫn hiện đại về đánh dấu gia súc yêu cầu hình đánh dấu dài ít nhất 10,6 cm để vết sẹo không mờ đi khi con vật lớn lên. Nhưng dụng cụ ở Bảo tàng Anh và Bảo tàng Petrie chỉ nhỏ bằng 1/3. Dụng cụ đánh dấu trong hình vẽ ở Ai Cập cổ đại cũng có hình vuông và chữ nhật cùng kích thước lớn hơn dụng cụ lưu giữ ở bảo tàng. Một số mẫu vật có kích thước gần như tương tự dụng cụ đánh dấu mà người châu Âu sử dụng với nô lệ châu Phi cách đây nhiều thế kỷ.
Các văn tự xa xưa của Ai Cập cũng nhắc tới tập tục đánh dấu nô lệ và bị nhầm với tập tục xăm hình. Ví dụ, việc đánh dấu xuất hiện trong phần mô tả tù nhân chiến tranh ở một hình khắc tại Medinet Habu gần Luxor có niên đại vào vương triều thứ 20, khoảng năm 1185 trước Công nguyên. Nghiên cứu cho thấy người Ai Cập cổ đại chỉ tiến hành xăm hình trên phụ nữ và vì mục đích tôn giáo. Do đó, việc đánh dấu tù nhân chiến tranh trong hình khắc ở Medinet Habu chắc chắn không phải xăm hình. Ngoài ra, thay vì đặt trong bát màu, dụng cụ đánh dấu trong hình khắc được nung nóng đỏ trong một loại lò di động gọi là bếp nướng than.
Theo Karev, tập tục đánh dấu không ảnh hưởng tới việc cựu nô lệ thay tên, trở thành người tự do, kết hôn và chuyển lên tầng lớp cao hơn.
An Khang (Theo Live Science)