Thứ năm, 24/11/2022, 12:00 (GMT+7)
Cứu nhiều bệnh nhân nhờ kỹ thuật phát hiện sớm ung thư đại trực tràng
Nhóm bác sĩ tại Bệnh viện K Tân Triều nghiên cứu và phát triển thành công kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán, điều trị ung thư đại trực tràng giúp nhiều bệnh nhân phát hiện sớm, chữa khỏi bệnh.
Năm 2014, ông Nguyễn Văn Dũng (67 tuổi, ở Hà Nội) thấy biểu hiện khó khăn khi đi đại tiện, ra máu nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư đại trực tràng và được chỉ định mổ.
Như kỹ thuật thông thường, ông sẽ phải cắt cụt trực tràng và thêm 1 túi hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Tuy nhiên, ông Dũng được chỉ định tia xạ trước mổ kết hợp uống thuốc. Sau 23 ngày được kiểm tra và mổ bảo tồn cơ tròn, chỉ cắt đi 7/10 phần hậu môn thay vì cắt bỏ hoàn toàn.
Đợt kiểm tra tổng quát sau 5 năm phẫu thuật, sức khỏe ông Dũng ổn định, bác sĩ nói tình hình bệnh tốt. “Đợt điều trị mổ, tôi sút 20 cân và ăn cháo 6 tháng sau đó. Giờ tôi 77 cân và vẫn tự kiểm tra được các vết khâu nối hàng ngày”, ông kể với VnExpress sau 8 năm ứng dụng kỹ thuật mới vào điều trị bệnh. Ông bảo rất may mắn vì sức khỏe trở lại bình thường.
Ông Dũng chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân được ứng dụng tiến bộ khoa học trong điều trị bệnh ung thư đại trực tràng. GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Tân Triều, cho biết từ năm 1997 các bác sĩ tại bệnh viện đã bắt đầu nghiên cứu về giá trị của lâm sàng và nội soi trong chẩn đoán, điều trị ung thư đại trực tràng, đồng thời chọn lọc các kỹ thuật mới.
“Khi tiếp cận các công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, chúng tôi vừa học, vừa tìm cách để có được kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam, vẫn hiệu quả thay vì làm theo cách phương Tây với chi phí đắt đỏ”, ông nói.
Kỹ thuật phát hiện sớm và bảo tồn cơ tròn
Điểm sáng tạo của nhóm nghiên cứu là đồng bộ kỹ thuật và tìm cách bảo tồn cơ tròn nhằm đảm bảo kết quả ít tai biến nhưng vẫn phù hợp với người Việt. GS Quảng cho biết, việc điều trị ung thư trực tràng cần nhiều thời gian, có nhiều trường hợp phải mất tới hơn một năm để có thể đi đại tiện bình thường. “Nếu chủ động được công nghệ, nhất là với bệnh ung thư, bệnh nhân được hưởng lợi từ các kỹ thuật tiên tiến giúp kéo dài cuộc sống, giảm tỷ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị”, ông nói.
Điểm đặc biệt, nhờ kỹ thuật xét nghiệm hoá miễn dịch trong phân đã giúp phát hiện sớm đối với trường hợp bị ung thư đại trực tràng. Tỷ lệ phát hiện sớm tăng từ 20% lên khoảng 41%. “Với bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm chỉ cần cắt hớt niêm mạc trực tràng, trong khi giai đoạn muộn sẽ cần phối hợp đa phương thức như hóa xạ trị, phẫu thuật khiến chi phi tăng nhiều lần”, GS Quảng nói. Ngoài kỹ thuật này, nhóm nghiên cứu và ứng dụng thành công nội soi với ánh sáng dải tần hẹp có phóng đại (Narrow Band Imaging – NBI). Kỹ thuật nội soi NBI cũng cho phép phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, làm tiền đề ứng dụng một kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (EMR).
Kỹ thuật mới mang lại hiệu quả trong điều trị, giúp người bệnh thêm cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn, giúp kéo dài thời gian sống, qua đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng.
Theo tính toán, chẩn đoán sớm giúp giảm số ngày nằm viện (bệnh nhân giai đoạn I, II chỉ phải điều trị phẫu thuật đơn thuần trung bình khoảng 15 triệu đồng, ngày nằm viện 10 -14 ngày. Trong khi giai đoạn muộn cần phải phẫu thuật phối hợp xạ trị, hóa trị sẽ tốn trung bình 30 tuần điều trị và tổng chi phí khoảng 214 triệu đồng. Kỹ thuật cắt hớt niêm mạc EMR giúp giảm 5-7 lần so với phẫu thuật.
Kỹ thuật xạ trị kết hợp điều trị đích cho bệnh giai đoạn muộn
Đối với bệnh nhân giai đoạn muộn đã di căn, nhóm ứng dụng xạ trị tiền phẫu, làm hạ thấp giai đoạn bệnh và hóa trị kết hợp điều trị đích giúp kéo dài thời gian sống thêm. Hóa xạ đồng thời trước mổ cũng là một bước tiến mới trong điều trị ung thư đại trực tràng, được nhóm nghiên cứu và ứng dụng thành công. Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật tia xạ điều biến liều (IMRT), chỉ định với bệnh nhân giai đoạn xâm lấn tại chỗ, nhằm thu nhỏ kích thước u giúp phẫu thuật dễ dàng hơn.
Đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam trong điều trị ung thư đại trực tràng, việc kết hợp với hoá chất, đặc biệt là Capecitabine bằng đường uống trong thời gian xạ trị làm tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí. Tia xạ trước mổ giúp giảm tỷ lệ tái phát, tăng tỷ lệ sống thêm 5 năm, giảm giai đoạn bệnh, từ đó làm tăng tỷ lệ mổ triệt căn và mổ bảo tồn cho bệnh nhân.
Ông Quảng chia sẻ, trước khi chưa có kỹ thuật mới nhiều bệnh nhân được chỉ định đã từ chối điều trị vì không muốn mang hậu môn nhân tạo. Nhờ kỹ thuật phẫu thuật bảo tồn cơ tròn, bệnh nhân sau điều trị có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Việc kết hợp hóa chất bổ trợ cũng làm tăng hiệu quả của xạ trị, chuyển từ giai đoạn không mổ được sang giai đoạn mổ được khoảng 40%.
Nhóm nghiên cứu cũng phát triển kỹ thuật EPA (eicosapentanoic acid – dinh dưỡng qua đường miệng), thay vì tiêm truyền để giúp bệnh nhân đảm bảo dinh dưỡng, giảm tỷ lệ suy mòn, sụt cân. “80% bệnh nhân ung thư bị sụt cân, 20% suy mòn nặng, ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị, chất lượng sống của người bệnh. Kỹ thuật dinh dưỡng này giúp nuôi dưỡng sớm đường tiêu hoá sau phẫu thuật, giảm thời gian nằm viện và gánh nặng chi phí cho người bệnh”, GS Quảng cho biết. Các kỹ thuật này đã được nhóm chuyển giao cho 24 cơ sở y tế chuyên ung bướu, ngoại khoa trong cả nước.
Thành công của cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng”, do PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, GS.TS Lê Văn Quảng cùng các cộng sự thực hiện, được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6, tối 23/1.
Theo dữ liệu của Globocan 2020, ung thư đại trực tràng là bệnh phổ biến với gần 2 triệu trường hợp mắc mới, đứng thứ tư trên thế giới. Căn bệnh này khoảng 1 triệu ca tử vong, đứng thứ ba về tỷ lệ tử vong do ung thư. Năm 2020, Việt Nam có gần 183.000 ca mới mắc, 123.000 ca bệnh nhân tử vong là ung thư nói chung. Trong đó, ung thư đại trực tràng mắc mới là 15.847 ca và tử vong là 8.203 ca.
Như Quỳnh