Phát hiện hai trong những thiên hà cổ xưa nhất
Với khả năng “nhìn xuyên quá khứ”, siêu kính viễn vọng James Webb của NASA đang mang đến những cái nhìn chưa từng có về vũ trụ sơ khai.
Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Astrophysical Journal Letters hôm 17/11, kính viễn vọng không gian James Webb đã quan sát thấy hai trong những thiên hà lâu đời và xa xôi nhất trong vũ trụ, bao gồm GLASS-z12 tỏa sáng 350 triệu năm sau vụ nổ Big Bang và GLASS-z10 hình thành muộn hơn khoảng 100 triệu năm.
Trước đó, thiên hà cổ xưa nhất mà chúng ta từng biết là GN-z11 xuất hiện sau vụ nổ Big Bang 400 triệu năm và được Kính viễn vọng Không gian Hubble phát hiện vào năm 2016. Vụ nổ Big Bang đã xảy ra cách đây 13,8 tỷ năm.
Khám phá này được thực hiện chỉ sau 4 ngày phân tích dữ liệu như một phần của Cuộc Khảo sát khuếch đại thấu kính Grism từ Không gian (GLASS) và Khảo sát Khoa học Tiến hóa Vũ trụ (CEERS).
Đó là khám phá “bất thường” đối với các nhà thiên văn học vì chúng ở rất xa nhưng cũng cực kỳ sáng. Theo Erica Nelson, trợ lý giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Colorado ở Boulder, đồng tác giả của nghiên cứu, vũ trụ sơ khai rất hỗn loạn và đông đúc, nhưng cấu trúc của hai thiên hà dường như có trật tự và tĩnh lặng. Chúng có hình cầu hoặc hình đĩa, với kích thước chỉ bằng một phần nhỏ so với dải Ngân Hà.
“Đây là một chương hoàn toàn mới trong thiên văn học. Nó giống như cuộc khai quật khảo cổ và đột nhiên bạn tìm thấy một thành phố ẩn giấu hoặc điều gì đó không ai biết. Thật đáng kinh ngạc!”, đồng tác giả Paola Santini, nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Thiên văn thuộc Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia Italy ở Rome, nhấn mạnh.
Mặc dù phát hiện mới rất thú vị, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng tuổi của hai thiên hà vẫn chưa được xác nhận đầy đủ và cần phân tích quang phổ bổ sung. Nếu tính toán ban đầu là chính xác, nó có thể thay đổi cách các nhà thiên văn học hiểu về thiên hà và sự hình thành sao trong giai đoạn đầu của vũ trụ.
Đoàn Dương (Theo CNN/Guardian)